Tóm tắt:
|
ĐIỂM NHẤN THỊ TRƯỜNG
Thị trường giảm mạnh trong tuần qua với thanh khoản gia tăng. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 42,86 điểm (-4,9%) xuống 829,16 điểm; HNX-Index giảm 7,482 điểm (-6,4%) xuống 109,33 điểm. Thanh khoản gia tăng so với tuần trước đó nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 tuần với khoảng 5.300 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 18,8% lên 24.089 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 23,7% lên 1.515 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 21,4% lên 2.433 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 33,3% lên 239 triệu cổ phiếu. Với việc thị trường giảm mạnh trong tuần qua thì các nhóm ngành cổ phiếu chính đều có mức sụt giảm. Nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu giảm mạnh nhất với 6,2% giá trị vốn hóa, với các mã tiêu biểu như HPG (-6%), HSG (-9,5%)... Tiếp theo là nhóm cổ phiếu ngân hàng với mức giảm 5,5% giá trị vốn hóa, với các cổ phiếu tiêu biểu như VCB (-2,2%), BID (-8,2%), CTG (-7,7%), VPB (-8%), TCB (-5,3%), ACB (-6,5%), SHB (-13,1%)... Nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng cũng có mức giảm 5,5% giá trị vốn hóa, với các mã như VNM (-4,9%), MSN (-7,5%), SAB (-5,7%), BHN (-2,5%)... Ngành dịch vụ tiêu dùng giảm 5,5% do các trụ cột trong ngành đều giảm như HVN (-7,1%), VJC (-4,8%)... Các nhóm ngành cổ phiếu khác đều bị bán và đồng giảm như tiện ích cộng đồng (-4,4%), tài chính (-3,9%), dược phẩm và y tế (-2,1%), dầu khí (-4,8%), công nghiệp (-4,4%), công nghệ thông tin (-4,1%)...
CHIẾN LƯỢC ĐẦU TƯ
Thị trường giảm mạnh trở lại trong tuần qua với thanh khoản gia tăng cho thấy áp lực bán có sự gia tăng, đồng thời cầu bắt đáy đã bắt đầu xuất hiện. Trên góc nhìn kỹ thuật, sóng tăng cuối cùng (sóng 5) của thị trường trong chu kỳ hồi phục từ quanh ngưỡng 650 điểm đã xác nhận kết thúc trong phiên 22/7 khi chỉ số VN-Index không thể giữ được ngưỡng hỗ trợ quan trọng quanh 860 điểm (MA20, 50). Theo đó, thị trường bước vào chu kỳ giảm mới với các sóng a-b-c và hỗ trợ gần nhất của thị trường là quanh ngưỡng 800 điểm (fibonacci retracement 38,2%). Khối ngoại gia tăng bán ròng trong tuần qua với khoảng 520 tỷ đồng trên hai sàn là điểm tiêu cực cần lưu ý. Bên cạnh đó, trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 8 vẫn duy trì mức basis âm là 7,29 điểm so với chỉ số cơ sở VN30, cho thấy nhà đầu tư phái sinh vẫn tiêu cực về xu hướng của thị trường. Dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo (27/7-31/7), VN-Index có thể sẽ tiếp tục giảm điểm với vùng hỗ trợ gần nhất của chỉ số trong khoảng 800-805 điểm (fibonacci retracement 38,2%). Nhà đầu tư đã giảm tỷ trọng cổ phiếu khi thị trường đánh mất ngưỡng 860 điểm có thể canh những nhịp điều chỉnh (nếu có) về quanh ngưỡng 800 điểm để bắt đáy thăm dò một phần tỷ trọng danh mục.
|