Tóm tắt:
|
ĐIỂM NHẤN THỊ TRƯỜNG
Sau tuần phục hồi tốt lên vùng 1.245 điểm -1.255 điểm tương ứng vùng giá cao nhất năm 2023, VN-INDEX tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh tích lũy. Đầu phiên VN-INDEX tăng điểm lên vùng 1.250 điểm và chịu áp lực rung lắc điều chỉnh mạnh về vùng 1.230 điểm và phục hồi trở lại. Kết phiên VN-INDEX giảm 4,52 điểm (-0,36%) về mức 1.240,18 điểm, có 03 phiên liên tiếp giảm điểm. HNX-INDEX tích cực hơn tăng 0,68 điểm (+0,29%) lên mức 236,36 điểm. Thể hiện mức độ phân hóa của thị trường khi nhiều mã vẫn phục hồi tốt. Độ rộng thị trường trên 02 sàn giao dịch khá cân bằng với áp lực điều chỉnh gia tăng mạnh hơn ở nhóm vốn hóa lớn với 302 mã giảm giá (07 mã giảm sàn), 308 mã tăng (25 mã tăng trần) và 132 mã giữ giá tham chiếu.
Giá trị khớp lệnh trên hai sàn niêm yết chỉ đạt 18.850,52 tỉ đồng được giao dịch, dưới mức trung bình với khối lượng giao dịch trên VN-INDEX tăng 7,37% so với phiên trước, cho thấy áp lực bán ngắn hạn đang gia tăng mạnh hơn, tuy nhiên mức độ phân hóa với dòng tiền ngắn hạn vẫn có tín hiệu luân chuyển tốt. Khối ngoại tiếp tục bán bán ròng mạnh trở lại trên HOSE với giá trị 1.285,78 tỷ đồng, tập trung bán ròng ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản; bán ròng trên HNX với giá trị 80,0 tỉ đồng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 252 Luật Đất đai số 31/2024/QH15. Theo Dự thảo Tờ trình của Bộ TN&MT, mục đích nhằm xây dựng Nghị quyết của Quốc hội để cho phép Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, đưa Luật Đất đai sớm đi vào cuộc sống sẽ khơi thông nguồn lực đất đai, kịp thời giải quyết, xử lý dứt điểm các tồn đọng về đất.
Nhóm cổ phiếu bất động sản có diễn biến tương đối tích cực trong phiên hôm nay, mức độ tăng giá tốt chủ yếu tập trung vào các mã thị giá thấp, vốn hóa nhỏ như API (+9,30%), VHG (+9,09%), DRH (+6,95%), HQC (+6,75%), DLG (+5,05%)... ngoài chịu áp lực điều chỉnh mạnh với QCG (-6,73%), AAV (-6,06%), SJS (-4,19%), TCH (-2,15%)... Các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp cũng có diễn biến phân hóa, đa số biến động trong biên độ hẹp, thanh khoản dưới mức trung bình với ITA (+4,41%), D2D (+2,09%), GVR (+1,11%)...PHR (-1,52%), BCM (-1,40%), LHG (-1,16%)...
Thị trường có diễn biến giao dịch khá chậm trong cả phiên khi thanh khoản dưới mức trung bình, trong đó áp lực điều chỉnh đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khi VN30 gặp kháng cự mạnh vùng giá cao nhất phiên giảm mạnh 15/04/2024 với nhóm mã ngân hàng có diễn biến kém tích cực khi đa số chịu áp lực điều chỉnh, thanh khoản dưới mức trung bình như ABB (-2,53%), BVB (-2,44%), HDB (-1,90%), CTG (-1,67%)... ngoài các mã tăng điểm VBB (+1,75%), VPB (+1,62%), SHB (+0,43%)... Các cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán cũng có diễn biến phân hóa mạnh với các mã phục hồi tăng giá tốt như APS (+8,77%), DSC (+6,20%), EVS (+2,78%)... ngoài các mã chịu áp lực điều chỉnh nhẹ với BVS (-2,50%), TCI (-1,90%), APG (-1,37%)...
Các cổ phiếu nhóm điện, nước cũng có diễn biến khá tích cực, thanh khoản gia tăng khá tốt, nhiều mã hướng đến vùng giá đỉnh cũ và vượt lên như TDM (+3,19%), BWE (+2,25%)... KHP (+3,66%), REE (+1,5%), NT2 (+0,68%)... Nhóm cổ phiếu nông nghiệp, chăn nuôi cũng có diễn biến rất tích cực trong phiên hôm nay, nhiều mã vượt đỉnh cũ, thanh khoản đột biến, nổi bật với BAF (+6,99%), PAN (+4,02%), HAG (+3,79%), DBC (+1,63%)... Trong khi đó đa số các nhóm ngành còn lại biến động, tích lũy trong biên độ hẹp.
Trên thị trường phái sinh, kỳ hạn VN30F2405 giảm 4,4 điểm (-0,35%), chênh lệch âm -6,53 điểm so với VN30, khối lượng giao dịch giảm mạnh 32,12% so với phiên trước khi sẽ đáo hạn trong tuần này. Xu hướng ngắn hạn VN30F2405 tích lũy với hỗ trợ gần nhất quanh 1.262 điểm, giá cao nhất năm 2023. Kháng cự mạnh quanh 1.280-1.287 điểm, tương ứng giá cao nhất phiên giảm mạnh ngày 15/04/2024. Các kỳ hạn VN30F2406, VN30F2409, VN30F2412 chênh lệch âm từ -5,73 điểm đến -1,53 điểm so với VN30. Cả 04 kỳ hạn đều chênh lệch âm, mức độ thu hẹp cho thấy các trader đang nghiêng về khả năng VN30 sẽ điều chỉnh ngắn hạn, đang ưu tiên các vị thế các vị thế phòng ngừa rủi ro khi VN30 đang gặp vùng giá trước phiên giảm mạnh ngày 15/04/2024.
CHIẾN LƯỢC ĐẦU TƯ
Thị trường tiếp tục diễn biến rung lắc và VN-Index trong phiên đã giảm về gần 1.230 điểm trước khi phục hồi trở lại, Vn-Index chốt phiên giảm 4,52 điểm (-0,36%) về 1.240,18 điểm. Mặc dù khối lượng khớp lệnh có tăng nhẹ so với phiên trước, tuy nhiên có thể thấy áp lực bán giá thấp vẫn chưa mạnh và sự phân hóa vẫn đang diễn ra giúp cho thị trường chưa tiêu cực sau 3 phiên giảm điểm liên tiếp. Nếu sớm bứt phá lên trên vùng kháng cự mạnh quanh 1.250 điểm với động lực tốt trong các phiên tới, Vn-Index vẫn còn khả năng hướng tới mốc xa hơn quanh vùng đỉnh gần nhất 1.300 điểm. Trong kịch bản kém tích cực, VN-Index sẽ có thể có nhịp điều chỉnh về các vùng giá thấp hơn.
Xu hướng trung hạn của chỉ số vẫn đang là dao động swing trong vùng tích lũy với kênh 1.150 điểm - 1.250 điểm sau nhịp giảm điểm mạnh vừa qua và diễn biến tích lũy dự báo sẽ có thể kéo dài. Hiện VN-Index đã tiệm cận với cản trên của kênh tích lũy nên cơ hội giải ngân trung hạn là không rõ ràng.
Vn-Index tiếp tục rung lắc quanh vùng kháng cự mạnh 1.250 điểm, nhà đầu tư ngắn hạn chỉ nên xem xét giải ngân nếu chỉ số bứt phá mạnh lên trên vùng kháng cự với kỳ vọng kiểm định trở lại vùng 1.280 điểm – 1.300 điểm hoặc có thể kiên nhẫn chờ đợi nếu VN-Index bước vào nhịp điều chỉnh. Nhà đầu tư trung - dài hạn tiếp tục nắm giữ danh mục và nên chờ nhịp điều chỉnh nếu muốn giải ngân thêm do mặt bằng giá hiện tại không còn quá hấp dẫn khi Vn-Index đang vận động ở vùng cản trên của kênh tích lũy.
Quý nhà đầu tư có thể tham khảo các mã cổ phiếu trong danh mục khuyến nghị đính kèm để có lựa chọn phù hợp.
|