Kiến thức đầu tư
Bạn có thể xem các khái niệm, thuật ngữ tài chính đầy đủ toàn diện, được tổ chức một cách khoa học, tiện lợi cho việc tra cứu.
Từ khóa:
Tra cứu theo vần:    A    B    C    D    E    F    G    H    I    J    K    L    M    N    O    P    Q    R    S    T    U    V    W    X    Y    Z
Ngân hàng thương mại - Commercial Bank
Ngân hàng là một định chế tài chính trung gian, với chức năng huy động vốn nhàn rỗi trong xã hội và dùng tiền huy động được cho các cá nhân và tổ chức vay lại.

Nguyên tắc cơ bản đảm bảo cho hoạt động của ngân hàng dựa trên một thực tế là rất hiếm khi có tình trạng cùng một lúc tất cả chủ tiền gửi đến đòi nợ ngân hàng.

Căn cứ vào chức năng, ngân hàng được chia làm hai loại: Ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước.


Ngân hàng thương mại là tổ chức tín dụng thể hiện nhiệm vụ cơ bản nhất của ngân hàng đó là huy động vốn và cho vay vốn. Ngân hàng thương mại là cầu nối giữa các cá nhân và tổ chức, hút vốn từ nơi nhàn rỗi và bơm vào nơi khan thiếu. Ngân hàng thương mại hoạt động với mục đích thu lợi nhuận từ hoạt động huy động và cho vay vốn: trả lãi suất huy động vốn thấp hơn lãi suất cho vay vốn, phần chênh lệch lãi suất chính là lợi nhuận của ngân hàng. Hoạt động của ngân hàng thương mại phục vụ cho nhu cầu về vốn của mọi tầng lớp dân chúng, loại hình doanh nghiệp và các tổ chức khác trong xã hội.

Khác hẳn với ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước (còn gọi là Ngân hàng Trung ương) không hoạt động vì mục đích lợi nhuận và cũng không kinh doanh tiền tệ. Mỗi một quốc gia chỉ có một ngân hàng Nhà nước duy nhất, có thể gọi là ngân hàng mẹ có chức năng phát hành tiền, quản lý, thực thi và giám sát các chính sách tiền tệ; và có rất nhiều ngân hàng thương mại, có thể coi là các ngân hàng con có chức năng thực hiện lưu chuyển tiền trong nền kinh tế. Trong trường hợp ngân hàng thương mại đứng trên bờ vực phá sản, ngân hàng Trung ương sẽ là nguồn cấp vốn cuối cùng mà ngân hàng thương mại tìm đến.


Trong ngân hàng thương mại, tiền huy động được của người gửi gọi là tài sản "nợ", tiền cho công ty và các cá nhân vay cũng như tiền gửi ở các ngân hàng khác và số trái phiếu ngân hàng sở hữu gọi là tài sản "có" của ngân hàng. Phần chênh lệch giữa số tiền huy động được và số tiền đem cho vay, gửi ngân hàng và mua trái phiếu gọi là vốn tự có. Phần tài sản có tính thanh khoản cao được giữ để đề phòng trường hợp tiền gửi vào ngân hàng  bị rút đột ngột gọi là tỉ lệ dự trữ của ngân hàng. Toàn bộ số vốn của ngân hàng được chia làm hai loại: vốn cấp 1 và vốn cấp 2. Vốn cấp 1 còn gọi là vốn nòng cốt, về cơ bản bao gồm vốn điều lệ, lợi nhuận không chia và các quỹ dự trữ lập trên cơ sở trích từ lợi nhuận của tổ chức như quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ dự phòng tài chính và quỹ đầu tư phát triển. Vốn cấp 2 bao gồm: phần giá trị tăng thêm do định giá lại tài sản của tổ chức, nguồn vốn gia tăng hoặc bổ sung từ bên ngoài (như trái phiếu chuyển đổi, cổ phiếu ưu đãi và một số công cụ nợ khác).  

Tại các nước đang phát triển như Việt Nam, ngân hàng thương mại thực sự đóng một vai trò rất quan trọng, vì nó đảm nhận vai trò giữ cho huyết mạch (dòng vốn) của nền kinh tế được lưu thông và có vậy mới góp phần bôi trơn cho hoạt động của một nền kinh tế thị trường còn non yếu. Năm 2005-2006 Việt Nam đã tích cực đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa các ngân hàng thương mại Nhà nước với mục đích quan trọng nhất là nâng cao năng lực tài chính của các tổ chức này. Tính đến tháng 2-2007 đã có 34 ngân hàng thương mại hoàn tất việc cổ phần hóa với tổng số vốn điều lệ trên 21.000 tỷ đồng. Đến quý 2/2009 có cả thảy 5 Ngân hàng thương mại niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam: Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB), Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTG), Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (STB), Ngân hàng Á Châu (ACB) và Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), trong đó VCB và CTG là các ngân hàng quốc doanh.
Kiến thức đầu tư