Tóm tắt:
|
DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG
Với việc khối ngoại tăng cường đà bán ròng phiên hôm nay khi thị trường tiến gần tới ngưỡng kháng cự mạnh 1.300 điểm, VN-Index kết phiên -6,26 điểm (-0,49%), tại 1.284,41 điểm, điểm tích cực là HNX kết phiên vẫn trong sắc xanh tại 246,41 điểm (+0,83 điểm, tương ứng +0,34%). Độ rộng thị trường trên cả 2 sàn nghiêng về tiêu cực khi có tới 226 mã giảm giá, 108 mã tăng giá, 41 mã tham chiếu tại HOSE. Tại HNX có 98 mã giảm giá, 76 mã tăng giá, 54 mã tham chiếu.
Thanh khoản trên cả 2 sàn tăng so với phiên giao dịch trước khi khối lượng giao dịch (không bao gồm thỏa thuận) tăng +10,4% tại HOSE và +11,07% tại HNX, đều cao hơn so với trung bình 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng qua. Phiên giao dịch hôm nay, khối ngoại tiếp tục đà bán ròng mạnh với -1,845.5 tỷ đồng tại HOSE tập trung vào các mã FPT (-259,9 tỷ đồng), VHM (-209,1 tỷ đồng), HPG (-203,9 tỷ đồng), và TCB (-118,9 tỷ đồng), các mã mua ròng ít hơn, gồm có PLX (+70,2 tỷ đồng), HAH (+47,3 tỷ đồng)...Trên sàn HNX, cùng với sắc xanh phiên hôm nay là lực mua ròng từ khối ngoại với +26,8 tỷ đồng, tập trung tại các mã MBS (+7,9 tỷ đồng), IDC (+7,9 tỷ đồng) và TIG (+7,7 tỷ đồng)...bán ròng tiêu biểu như HUT(- 2,14 tỷ đồng), PVS (-1,7 tỷ đồng)...
Theo báo cáo mới công bố, ngân hàng UOB (Singapore) dự báo GDP quý 2 của Việt Nam sẽ đạt 6% và duy trì dự báo cả năm 2024 tăng trưởng 6%. Trong những tháng còn lại của năm 2024, UOB cũng đặt kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn ở mức 4,5% như hiện tại và tập trung nỗ lực hỗ trợ tăng trưởng tín dụng cũng như các biện pháp hỗ trợ khác. Về tỷ giá, ngân hàng này dự báo VND có thể phục hồi trong nửa cuối năm 2024 do áp lực bên ngoài từ đồng USD giảm trước đợt cắt giảm lãi suất dự kiến của Fed cũng như được hưởng lợi từ sự phục hồi tiếp theo của Nhân dân tệ do nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu ổn định rõ ràng hơn. Dự báo tỷ giá sẽ neo ở mức 25.200 đồng/USD trong quý 3 tới và 25.000 đồng/USD vào quý cuối năm nay.
Ghi nhận trong phiên hôm nay, một số ngành chứng kiến nhiều mã tăng điểm như ngành Phân Bón với DCM (+1,29 %), DPM (+0,52 %), LAS (+0,87 %), nhóm ngành Chứng Khoán với SSI (+1,3 %), HCM (+1,4 %), MBS (+2,1 %), BSI (+2,9%), và đặc biệt là VCI (+4,9%) ...Bên cạnh đó đà tăng ấn tượng của nhóm Công Nghệ Thông Tin vẫn chưa dừng lại khi FPT (+1,74%), ITD (+6,36%), ELC (+4,23%). Dòng tiền cũng vận động tích cực ở nhóm Dầu Khí, các cổ phiếu như PLX (+2,98 %), PVD (+0,94 %), PVS (+0,9%) hay cổ phiếu tiêu biểu ngành điện POW (+3,7%).
Tác động tiêu cực nhất tới VN-Index trong phiên hôm nay là nhóm cổ phiếu Bất Động Sản bao gồm VIC (-0,6%), VHM (-1,9%), VRE (-1,8%) bên cạnh NVL (-3,4%), TCH (-2,02%), HPX (-3,37%), QCG (-3,06%)…Nhóm Bảo Hiểm tiếp tục có phiên giảm điểm với BVH (-1,4%), bên cạnh đó là BMI (-2,51 %), MIG (-0,95 %). Ngoài ra cũng phải kể đến nhóm Du Lịch với VJC (-2,94%), HVN (- 1,9%), SCS (-2,73 %)...ngoại trừ cổ phiếu SKG (+2,37%).
Nhóm cổ phiếu Ngân hàng tiếp tục phân hóa với các mã giảm điểm gồm VCB (-0,9%), CTG (-0,9%), ACB (-1%)…trong khi tăng điểm là TCB (+0,9%), STB (+0,3%), VIB (+1,6%, VPB (+1,4%). Diễn biến tương tự cũng diễn ra tại ngành Bất Động Sản Khu Công Nghiệp khi LHG (+6,98%) giao dịch tích cực khi tiến độ đầu tư dự án Long Hậu 3.1 đang có triển vọng tích cực hơn nhờ các điểm nghẽn lớn về giải phóng mặt bằng và tính tiền sử dụng đất có cải thiện đáng kể. Tuy nhiên những cổ phiếu khác cùng ngành như SIP (-2,24%), ITA (-2,65%), TIP (-1,42%) lại có diễn biến trái ngược.
Phân nhóm theo vốn hóa thì phiên hôm nay, theo thứ tự VNMID giảm nhiều nhất (-0,65%), tiếp đến là VNSML (-0,35%) và cuối cùng là VN30 (-0,21%).
Trên thị trường phái sinh, kỳ hạn VN30F2406 giảm -5,9 điểm (-0,45%) về mức 1.305 điểm. Chênh lệch âm mở rộng lên -3,3 điểm so với VN30. Tổng khối lượng hợp đồng giao dịch +28,5% so với phiên trước, cao hơn mức trung bình 20 phiên, cho thấy nhà đầu tư đã tăng vị thế phòng ngừa rủi ro khi VN30 đang biến động mạnh. Xu hướng ngắn hạn của VN30F2406 vẫn có thể kiểm định lại vùng 1.290 điểm. Các kỳ hạn VN30F2407, VN30F2409, VN30F2412cũng chênh lệch âm mở rộng từ -2,4 điểm đến -3,2 điểm so với VN30. Khối lượng mở OI hôm nay là +54.910, tăng so với phiên gần nhất là +53.062, cho thấy xu hướng gia tăng các vị thế nắm giữ.
CHIẾN LƯỢC ĐẦU TƯ
Sau nhiều phiên liên tiếp chịu áp lực bán ở vùng kháng cự mạnh quanh 1.295 điểm tương ứng giá cao nhất tháng 03/2024 và tháng 08/2022. Áp lực bán, rung lắc đã gia tăng mạnh hơn trong phiên hôm nay, với thanh khoản gia tăng, nhiều mã/nhóm mã chịu áp lực điều chỉnh mạnh, thanh khoản gia tăng khá đột biến. Kết phiên VN-INDEX giảm 6,26 điểm (-0,24%) về 1.284,41 điểm, quay trở lại vùng giá quanh 1.275 điểm tương ứng vùng giá cao phiên giảm mạnh ngày 15/04/2024.
Trong ngắn hạn nhà đầu tư đang thận trọng chờ đợi thông tin của họp FED diễn ra vào ngày 13/06/2024, dẫn đến các vị thế bán gia tăng nhiều ở các mã có tính chất đầu cơ, các mã đã tăng giá mạnh trong thời gian ngắn khi VN-INDEX đang gặp vùng kháng cự mạnh. VN-INDEX trong ngắn hạn đang chịu áp lực điều chỉnh ở vùng kháng cự mạnh như chúng tôi đã đề cập trong nhiều bản tin trước và đang quay trở lại tích lũy trong kênh giá 1.250 điểm - 1.300 điểm, điểm cân bằng của kênh giá này là vùng 1.275 điểm, cũng tương đồng với giá trung bình 20 phiên của VN-INDEX
Xu hướng trung hạn của VN-INDEX duy trì tích lũy trong kênh rộng 1.180 điểm - 1.200 điểm đến 1.300 điểm, mở rộng lên 1.320 điểm. Trong đó 1.200 điểm là vùng giá cao nhất năm 2018, 1.300 -1.320 điểm là vùng giá cao nhất tháng 06, 08/2022. Điểm cân bằng của kênh tích lũy trung hạn là vùng 1.245 -1.255 điểm, tương ứng vùng giá cao nhất năm 2023.
Nhà đầu tư ngắn hạn đã giải ngân như khuyến nghị, tỉ trọng nếu duy trì ở mức cao nên bắt đầu xem xét bán, giảm tỉ trọng đối với các mã đã đạt kỳ vọng, hoặc cơ cấu bán các mã yếu kém nếu có. Nhà đầu tư trung - dài hạn tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, vì đây chưa phải là vùng giá hấp dẫn.
Quý nhà đầu tư có thể tham khảo các mã cổ phiếu trong danh mục khuyến nghị đính kèm để có lựa chọn phù hợp.
|